CHẤT LƯỢNG GIẤC NGỦ VÀ NHỮNG ĐIỀU LIÊN QUAN ĐẾN TÌNH TRẠNG SỨC KHỎE
- Người viết: Marketing lúc
- Tin Tức
MỐI LIÊN HỆ GIỮA GIẤC NGỦ VÀ SỨC KHỎE TINH THẦN
Thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý và sức khỏe tinh thần của bạn. Đồng thời, những người gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần có nhiều khả năng bị mất ngủ hoặc các chứng rối loạn giấc ngủ khác. Các vấn đề về giấc ngủ thường phổ biến ở những bệnh nhân bị lo âu, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và rối loạn tăng động giảm chú ý.
Theo các nghiên cứu ở cả người lớn và trẻ em cho thấy rằng vấn đề về giấc ngủ có thể làm tăng nguy cơ, thậm chí trực tiếp góp phần vào sự phát triển của một số chứng rối loạn tâm thần. Điều trị chứng rối loạn giấc ngủ cũng có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của vấn đề sức khỏe tinh thần. Cơ sở não bộ về mối quan hệ lẫn nhau giữa giấc ngủ và sức khỏe tâm thần vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Nhưng các nghiên cứu về hình ảnh thần kinh và hóa thần kinh cho thấy rằng một giấc ngủ ngon giúp tăng cường khả năng phục hồi cả về tinh thần và cảm xúc, trong khi tình trạng thiếu ngủ mãn tính tạo tiền đề cho những suy nghĩ tiêu cực và dễ bị tổn thương về cảm xúc.
TÌNH TRẠNG GIẤC NGỦ HÉ LỘ ĐIỀU GÌ VỀ SỨC KHỎE
1. TRẰN TRỌC KHÔNG NGỦ ĐƯỢC
Theo nghiên cứu của bác sĩ Shannon Make Kau – Giám đốc điều trị của trung tâm Phổi học và Giấc ngủ cho biết có hơn ⅓ người lớn tuổi mắc chứng mất ngủ. Trong đó, số người gặp phải chứng mất ngủ kinh niên chiếm đến 10 – 15%. Biểu hiện nhẹ có thể là cảm giác bồn chồn hay vẫn tỉnh táo vào giờ ngủ, thậm chí tệ hơn là thức suốt đêm. Nguyên nhân chính có thể kể đến là do cơ thể đã nạp quá nhiều chất cafein từ cafe, thuốc lá hoặc do suy nhược cơ thể, stress kéo dài,… Ngoài ra, những người mắc các bệnh lý như tim mạch, huyết áp, ung thư, tiểu đường, béo phì hay đau nhức xương khớp,… cũng gặp phải tình trạng này.
Người mắc các bệnh lý như huyết áp, tim mạch cũng thường gặp tình trạng mất ngủ. Ảnh: Pexels.
2. THÓI QUEN NGỦ “NƯỚNG”
Những người thích ngủ nướng không đơn thuần là thói quen mà đây là biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ. Chứng bệnh này khiến cơ thể luôn trong trạng thái “thèm” ngủ suốt cả ngày, ngay cả khi chưa tỉnh dậy. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hội chứng ngưng thở vài giây khi ngủ cũng dẫn đến việc tăng nhu cầu ngủ nướng của bạn. Vì vấn đề sức khỏe có khả năng phá vỡ đi chu kỳ ngủ hàng ngày của bạn. Tuy nhiên, không thể khẳng định chắc chắn ai ngủ nhiều hay thích ngủ nướng đều có bệnh liên quan đến giấc ngủ. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thói quen xấu này như dùng chất kích thích, đồ uống có cồn, uống thuốc theo đơn của bác sĩ,… Những người này thường bị mất ngủ nên dẫn đến triệu chứng thèm ngủ vào buổi sáng.
3. NGỦ ĐỦ GIẤC NHƯNG VẪN MỆT MỎI
Cơ thể cảm thấy uể oải và mệt mỏi dù đã ngủ đủ 8 tiếng có lẽ là hệ lụy mà bạn gặp phải khi đối mặt với áp lực cao trong cuộc sống. Stress kéo dài khiến cơ thể bắt đầu chuyển sang chế độ “đình công” và luôn trong trạng thái mơ màng. Thế nhưng tình trạng này diễn ra thường xuyên trong thời gian dài thì rất có thể đây là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm. Chứng trầm cảm cũng tác động ít nhiều đến chất lượng giấc ngủ và khả năng gây ra biểu hiện này. Tinh thần yếu sẽ không đem lại giấc ngủ ngon và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi sau khi thức dậy là điều dễ hiểu.
Ngủ đủ giấc nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi có thể là nguyên nhân của những áp lực trong cuộc sống. Ảnh: Pexels.
Ngoài ra, ngủ đủ giấc vẫn cảm thấy mệt mỏi cũng là tiếng chuông báo động tuyến giáp trạng của bạn đang có vấn đề. Đây là tuyến sản sinh các hormone điều hòa giấc ngủ và kích thích trạng thái thèm ăn. Tuy nhiên, khi suy tuyến giáp thì giấc ngủ của bạn sẽ có biểu hiện bất thường. Trong trường hợp bạn ngủ nhiều nhưng vẫn mệt mỏi thì nên thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
4. THỨC DẬY VÀO LÚC NỬA ĐÊM
Thức dậy vô thức vào lúc nửa đêm không phải là chuyện hiếm gặp. Điều này thường xảy ra do một số nguyên nhân tâm lý như môi trường ngủ kém, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng, tâm thần phân liệt,… Việc thức giấc nửa đêm không xảy ra thường xuyên thì không có gì nghiêm trọng. Ngược lại, nếu tình trạng này diễn ra hàng ngày thì đây có thể là biểu hiện đầu của chứng mất ngủ.
5. NGÁY NGỦ
Tình trạng này thường gặp ở 44% nam giới và 28% nữ giới trong độ tuổi từ 30 đến 60. Những người mắc chứng ngáy ngủ sẽ tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ cao hơn người bình thường. Bên cạnh ngáy ngủ, các biểu hiện như thở dốc, thở ngắt quãng,… đều phản ánh hệ hô hấp của bạn đang gặp vấn đề. Theo bác sĩ Make Kau, hô hấp yếu gây ra chứng buồn ngủ vào ban ngày, đau rát họng, đau đầu buổi sáng, trầm cảm, trí nhớ kém,… Người mắc chứng ngáy ngủ còn tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh lý như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim, đột quỵ trong lúc ngủ,… Vì thế, khi mắc chứng ngáy ngủ bạn nên kiểm tra sức khỏe để chẩn đoán các bệnh về tim và huyết áp.
Người mắc chứng ngáy ngủ thường tiềm ẩn các nguy cơ mắc bệnh huyết áp và tim mạch. Ảnh: Pexels.
6. TIỂU ĐÊM
Tỷ lệ người mắc chứng tiểu đêm tăng theo độ tuổi, trong đó độ tuổi trên 50 chiếm hơn 50%. Thường xuyên tiểu đêm có thể là triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường hoặc phù tuyến tiền liệt. Đặc biệt, ở nam giới lớn tuổi có thể là dấu hiệu của bệnh u xơ tiền liệt tuyến. Lúc này, u xơ có kích thước lớn sẽ dễ chèn ép vào cổ bàng quang gây kích thích và dễ bị tiểu đêm. Những người mắc chứng bàng quang kích thích thường rất nhạy cảm. Bàng quang co bóp ngay cả khi nước tiểu chưa chứa đầy khiến người bệnh luôn có cảm giác mắc tiểu bất kể ngày lẫn đêm. Nếu gặp phải tình trạng này thường xuyên bạn nên thăm khám bác sĩ sớm để tìm ra giải pháp chữa trị kịp thời. Ngoài ra, đây cũng có thể là triệu chứng đáng lo ngại của các bệnh lý như viêm thận, suy thận, suy tim, parkinson,…
TÁC HẠI CỦA VIỆC NGỦ MUỘN
Sau một ngày dài làm việc, thì ban đêm là thời gian mà cơ thể nghỉ ngơi phục hồi lại sức khỏe và cân bằng các yếu tố trong cơ thể, nhưng vì nguyên nhân hoặc thói quen nào đó mà chúng ta thường xuyên thức đêm ngủ không đủ giấc. Việc ngủ muộn thường xuyên có ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và sắc đẹp đặc biệt với phụ nữ.
Ban đêm là thời gian để cơ thể nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe. Ảnh: Pexels.
1. SUY GIẢM TRÍ NHỚ
Ngủ chính là thời gian để bộ não được nghỉ ngơi, thư giãn. Khi bạn thức khuya, bạn đang tăng lượng thông tin cần ghi nhớ làm giảm thời gian nghỉ ngơi của não bộ. Não bộ của bạn phải được nghỉ ngơi đủ 8 tiếng mỗi ngày, nhưng nếu bạn thức khuya thì sẽ làm suy giảm trí nhớ.
2. SUY GIẢM HỆ MIỄN DỊCH
Khi thức khuya cơ thể dễ bị thiếu năng lượng, dẫn đến tình trạng mệt mỏi và làm cho sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút. Điều này sẽ dẫn đến việc mắc các bệnh do vi sinh vật gây nên như cảm cúm, viêm nhiễm đường hô hấp, ho, đau họng,…
3. SUY GIẢM THỊ LỰC
Ban đêm là khoảng thời gian mắt cần được nghỉ ngơi và điều tiết sau một ngày hoạt động liên tục. Khi thức khuya đồng nghĩa mắt phải làm việc trong điều kiện thiếu ánh sáng, lâu dần thị lực sẽ giảm đi đáng kể. Ngủ trễ, sẽ làm mắt bị khô, thiếu ẩm có thể gây nên đau nhức, nhạy cảm với ánh sáng, ngứa, đỏ hoặc thậm chí là mờ mắt.
4. LÃO HÓA DA
Việc thức khuya sẽ làm cho hoạt động điều tiết các tế bào da bị thất thường, ảnh hưởng đến chức năng của tế bào biểu bì. Điều này sẽ làm cho da bị lão hóa sớm, xuất hiện nếp nhăn, xỉn màu, gây nên nhiều mụn,… Vì thế để có được một làn da đẹp, các bạn nên tập thói quen ngủ sớm và đầy đủ.
5. RỐI LOẠN NỘI TIẾT
Trong thời gian ngủ, cơ thể bài tiết ra hormone cân bằng giúp bạn tránh rơi vào trạng thái rối loạn nội tiết. Ở những người thường xuyên thức khuya hay ngủ không đủ giấc làm cho hormone bị thiếu hụt hay mất cân bằng. Đối với phụ nữ việc thường xuyên thức khuya sẽ gây rối loạn kinh nguyệt, tăng nguy cơ u xơ tử cung…